Phía đông Sài Gòn tương lai sẽ là một thành phố phát triển. Khu vực này (quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2) có tốc độ ứng dụng công nghệ cao, mức độ đào tạo và nghiên cứu khoa học cao nhất cả nước, có khu đô thị mới, trung tâm tài chính quốc tế.
Đây là các yếu tố tác động tạo nên vùng tăng trưởng mới trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc của Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM để góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 – 2025 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ 4 đề án về mô hình phát triển mới của TP.HCM, trong đó có đề án thành lập TP Thủ Đức (thành phố phía đông của TP.HCM).
“Sự thành công của khu đô thị này sẽ thêm một dấu son trong hành trình sáng tạo trong lịch sử hơn 300 năm của TP.HCM” – TS Trương Minh Huy Vũ, giám đốc Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM, đơn vị được giao nhiệm vụ tham mưu cho Đại học Quốc gia về đề án thành phố phía đông Sài Gòn, chia sẻ.
TS Trương Minh Huy Vũ, giám đốc Khu Công nghệ phần mềm (ITP), Đại học Quốc gia TP.HCM
Ông Vũ nói: “Thành phố phía đông Sài Gòn với mục tiêu giúp chuyển đổi và nâng tầm nền kinh tế của TP.HCM, tập trung vào kinh tế tri thức, công nghệ cao và tạo động lực cho toàn vùng Đông Nam Bộ”.
Ý tưởng đúng hướng, hành động đúng thời điểm
* Khu đô thị phía đông sẽ ghi tiếp một dấu son trong hành trình sáng tạo suốt hơn 300 năm của TP.HCM, nghĩa là sao thưa ông?
– Những năm trở lại đây các lý thuyết, mô hình phát triển trên thế giới đều nói về sự tập trung hay sự hội tụ tri thức sẽ thúc đẩy năng suất. Trong sản xuất có khái niệm cụm ngành (cluster), trong công nghiệp có khái niệm chuỗi giá trị (value chain).
Tất cả mang điểm chung về hình dung một không gian cùng chia sẻ bởi một nhóm thành viên theo đuổi một mục tiêu. Các nhóm này có thể cùng tương hỗ hoặc cạnh tranh lẫn nhau. Hiện tượng “Buôn có bạn, bán có phường” là động lực thúc đẩy sáng tạo.
Nhìn vào lịch sử phát triển của TP.HCM chúng ta thấy rất rõ việc này. Từ những ý tưởng ban đầu của TP.HCM về “xé rào” để bỏ đi những lực cản, cho đến ý tưởng và xây dựng nên những khu vực chuyên ngành mang tính hội tụ. Khu chế xuất Tân Thuận, Công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao TP.HCM là các thí dụ tiêu biểu.
Các mô hình cụm ngành công nghệ, cụm ngành chuyên đề trên thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ và đối tác trong chuỗi giá trị cần thiết. Đó cũng là sân chơi quan trọng cho sự chuyển giao công nghệ, quá trình học hỏi, chuẩn hóa quy trình quản lý và thúc đẩy chất lượng lao động từ khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho các công ty, nhà sản xuất trong nước.
Với những nền tảng trên, TP.HCM đặt ra việc xây dựng một khu đô thị sáng tạo phía đông là ý tưởng đúng hướng và hành động đúng thời điểm.
* Tại sao lại là khu phía đông mà không phải những khu vực khác?
– Khu đông TP.HCM gồm quận 2, quận Thủ Đức và quận 9 hội tụ nhiều nhất các điều kiện thành công ý tưởng. Đặc biệt hiện có ở đây Đại học Quốc gia TP.HCM và Khu công nghệ cao TP.HCM, trong đó khu đô thị Đại học Quốc gia có 7 cơ sở đào tạo của các trường thành viên và 27 đơn vị nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ trực thuộc.
Đại học Quốc gia TP.HCM, một trong những trọng tâm phát triển của TP mới Thủ Đức
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến các trường Đại học Nông lâm, Đại học Sư phạm kỹ thuật, Đại học Việt Đức, hay Đại học Thể dục thể thao láng giềng. Hay Khu công nghệ cao nằm tại quận 9 với các tập đoàn công nghệ (Intel, Nidec, Samsung, Jabil), cùng sự tham gia đông đảo của các chuyên gia trong lẫn ngoài nước. Những tiền đề trên rất quan trọng để TP.HCM tính toán mức độ khả thi tại khu vực này.
* Có thể hình dung diện mạo 6 trọng điểm của khu đô thị phía đông sẽ ra sao trong tương lai?
– Khó nói về diện mạo tương lai của 6 trọng điểm sáng tạo như thế nào vì không ai nói được tương lai sẽ đi đến đâu, đặc biệt là tốc độ phát triển của công nghệ. Tại hai khu Đại học Quốc gia và Khu công nghệ cao đã có tính sáng tạo nhưng vẫn cần tăng cường sự tương tác cao nội khu, bởi không gian còn bị chia cắt và thiếu hạ tầng tương tác.
Để giải quyết những vấn đề trên, TP.HCM cần tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các kết nối giao thông, xây dựng không gian dùng chung giữa hai trọng điểm. Đó có thể là đường kết nối giao thông hai khu, khu hầm đi bộ, cầu vượt… để tạo ra giao thông kết nối nội khu và giữa hai khu một cách thuận tiện nhất.
Đó cũng có thể là các quần thể ăn uống, thương mại, khu sự kiện… để các doanh nghiệp, chuyên gia, giảng viên, sinh viên… của hai khu tương tác với nhau. Sự tương tác cao còn nằm ở các chương trình hợp tác được thúc đẩy bằng ngân sách của Nhà nước. Hội thảo, sự kiện khoa học, triển lãm, cuộc thi khởi nghiệp, ngày hội việc làm là không gian tương tác chung tạo ra sự hợp tác, thúc đẩy các tranh luận và trao đổi các phương thức khác nhau để tăng năng suất.
Bài viết và hình ảnh: Trích Báo Tuổi trẻ